RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Hiện nay, chứng rối loạn lo âu đang ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa trong đó có bệnh rối loạn lo âu lan tỏa. Đây là tình trạng đáng báo động bởi việc điều trị chứng rối loạn lo âu đang là thách thức của nền y học hiện đại.
1. Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?
Lo âu là một trạng thái cảm xúc căng thẳng, khó chịu, lo sợ và không thoải mái, nguyên nhân thường không rõ ràng.
Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa là thuật ngữ dùng để miêu tả những cảm xúc và tình trạng luôn bị lo lắng thái quá về những sự việc xảy ra trong đời sống và trong công việc hàng ngày. Các triệu chứng lo âu, căng thẳng này kéo dài ít nhất trong thời gian 6 tháng.
Nữ giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn nam giới và chiếm khoảng 3% dân số thế giới.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Hiện nay, bệnh rối loạn lo âu lan tỏa chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên theo một vài nghiên cứu cho rằng, bệnh rối loạn lo âu lan tỏa gặp nhiều hơn ở những người mắc các bệnh về rối loạn tâm thần như trầm cảm, ám ảnh sợ đặc hiệu, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng sợ và những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện…
Các yêu tố có thể dẫn đến bệnh rối loạn lo âu lan tỏa như sau:
- Do di truyền: Nếu người thân cận huyết đã từng bị rối loạn lo âu lan tỏa hoặc bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần thì người trong gia đình cũng có khả năng bị bệnh;
- Tác động từ ngoại cảnh: Gia cảnh thiếu thốn, từng bị đánh đập, lạm dụng, lao động vất vả từ khi còn nhỏ sẽ dễ bị lo âu trước các sự kiện hơn;
- Nghiện thuốc lá: Thói quen này làm tăng rủi ro bị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa gấp 5 - 6 lần;
- Các yếu tố khác: Bị stress kéo dài, trầm cảm, đã hoặc đang phải trải qua khủng hoảng về tài chính, tình cảm, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính, cuộc sống không có niềm vui,...
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Một người mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa sẽ có những triệu chứng như sau:
- Lo lắng, suy nghĩ về những tình huống xấu một cách tiêu cực và không thể kiểm soát được những suy nghĩ này.
- Mức độ lo lắng càng ngày càng tăng. Đôi khi không có vấn đề gì người bệnh lại đột nhiên ở trong trạng thái bất an khiến họ vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.
- Tính cách thay đổi, dễ bực bội và cáu gắt.
- Hoạt động nào cũng gây sợ hãi cho họ.
- Hay bị bồn chồn, khó chịu, ít khi cảm thấy thư giãn, thoải mái.
- Giảm chú ý, giảm tập trung khiến hiệu suất lao động và học tập cũng giảm.
- Chất lượng giấc ngủ kém: ngủ chập chờn, khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc do căng thẳng thần kinh.
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp và nếu kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch, thậm chí là đột tử ở những bệnh nhân bị tim từ trước.
- Tiểu nhiều lần.
- Đau nhức mắt, dễ ớn lạnh, mặt đỏ bừng.
- Đau và căng cơ vùng vai gáy, đau nhức mắt.
- Bị rối loạn tiêu hóa, đau vùng thượng vị, viêm đại tràng co thắt...
4. Những hệ lụy của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Nếu mắc phải bệnh rối loạn lo âu lan tỏa mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy như sau:
- Người bệnh có xu hướng tự cô lập bản thân, không muốn trò chuyện, chia sẻ hay tâm sự về các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
- Trong trường hợp bệnh kéo dài sẽ làm giảm sự tập trung dẫn tới tình trạng sa sút trong học tập và công việc. Điều này cũng sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm như tai nạn khi tham gia giao thông và các hoạt động khác.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tự làm hại bản thân như tự sát và tự mình phá vỡ các mối quan quan hệ xung quanh.
- Những người mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa trong thời gian dài sẽ có xu hướng tìm đến những chất kích thích để giải tỏa như rượu bia, ma túy…
- Ngoài ra còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe về thể chất có thể khiến người bệnh mắc các bệnh như bệnh tim, cơ xương khớp, tiêu hóa…
5. Cách điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Chứng rối loạn lo âu lan tỏa thường xảy ra trước tuổi 25 và dễ tiến triển thành mạn tính, có tỷ lệ phục hồi khá thấp. Do đó, khi có 3 dấu hiệu trở lên của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa, người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra, việc chẩn đoán và điều trị sớm để bệnh được kiểm soát tốt và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người bệnh.
Để điều trị rối loạn lo âu lan tỏa hiệu quả cần điều trị kết hợp các liệu pháp tâm lý và điều trị bằng thuốc, cần có sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn như bác sĩ thâm thần, chuyên gia tư vấn về tâm lý…
Về liệu pháp tâm lý trị liệu: Các chuyên gia tâm lý sẽ dành nhiều thời gian để hỗ trợ tâm lý cho người bệnh bằng cách trò chuyện để tìm ra căn nguyên giúp người bệnh hiểu về tình trạng bản thân đang gặp phải và tìm hướng tháo gỡ, giải quyết phù hợp cho người bệnh.
Về phương pháp dùng thuốc: Điều trị bằng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ thông qua việc thăm khám phù hợp với tình hình thực tế của người bệnh. Để điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm cho người bệnh. Bên cạnh đó là một số loại thuốc khác như: Thuốc chống loạn thần; Thuốc giải tỏa lo âu; Các nhóm thuốc khác: thuốc kháng histamin, thuốc ức chế beta, khoáng chất, vitamin nhóm B, các thuốc có tác dụng nuôi dưỡng tế bào thần kinh.
Người bệnh cần dành thời gian để thư giãn, tham gia các hoạt động mà bản thân cảm thấy thú vị và thoải mái. Đồng thời, việc rèn luyện bản thân nâng cao thể chất bằng các bộ môn như bơi lội, chạy bộ, yoga,… là vô cùng cần thiết và đem lại hiệu quả cho người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa./.
Theo VTV (Sức khỏe)
Địa chỉ: 236A Lê Duẩn, Phường Trà Bá, Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai.
Email: info@bvhvgl.com
Số giấy phép: 09/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền Thông Tỉnh Gia Lai cấp ngày 29/11/2023.
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Gia Phú. Hotline: 1800 8015
Thứ 2 - Chủ nhật
Sáng: 7h00 - 11h30
Chiều: 13h00 - 16h30
Khám bệnh tất cả các ngày trong tuần
(Cả ngày nghỉ và Lễ, Tết)
Cấp cứu 24/24: 0914.555.115
Tổng đài CSKH: 1800.8015