28/05/2024
[BVHVGL] PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG CHO SẢN PHỤ CÓ BỆNH LÝ RAU TIỀN ĐẠO, DÂY RỐN BÁM MÀNG, MẠCH MÁU TIỀN ĐẠO NGUY HIỂM
Sản phụ V.T.Q (29 tuổi), địa chỉ Xã Ia Krai - Huyện Ia Grai - Tỉnh Gia Lai, mang thai lần thứ 4, tiền sử đã mổ lấy thai 3 lần trước đó, được gia đình đưa vào Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai khám và nhập viện khi thai được 35 tuần. Trước đó, khi ở tuần thai thứ 32 của thai kỳ, sản phụ đã được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo, dây rốn bám màng, mạch máu tiền đạo.
Khi tiếp nhận sản phụ các bác sĩ khoa Phụ Sản Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai xác định đây là một trường hợp có yếu tố nguy cơ rất cao cho bản thân sản phụ lẫn thai nhi vì rau tiền đạo chảy máu, thai nhi non tháng, sau hội chẩn khoa, phương án được đưa ra là cố gắng mọi cách để giữ thai và cầm máu.
Thai nhi an toàn ở trong bụng (tử cung) của mẹ thêm được 1 tuần thì tình trạng ra máu âm đạo của mẹ diễn biến xấu đi. Các bác sĩ đã tính đến việc phẫu thuật, tuy nhiên về mặt chuyên môn xác định phẫu thuật khá phức tạp khi sản phụ có bệnh lý về bánh rau vô cùng nguy hiểm và có tiền sử mổ lấy thai 3 lần trước đó.
BSCKI. Trần Công Dũng – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết: “Đối với trường hợp này, chúng tôi đã chuẩn bị trước kế hoạch đón em bé, dự trù máu đầy đủ để truyền cho sản phụ ngay trong quá trình phẫu thuật nếu cần, tính đến cả phương án phải cắt tử cung, đồng thời đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Gây mê, Hồi sức, Sơ sinh sẽ đồng hành trong suốt ca phẫu thuật”.
Với việc chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật chu đáo, bé trai chào đời khỏe mạnh ở tuần 36, cân nặng 2,5kg, khóc ngay sau khi sinh, phản xạ tốt, không cần đến phương tiện hỗ trợ. Điều đáng nói là sản phụ được bảo tồn tử cung nguyên vẹn, các chỉ số của sản phụ trong giới hạn bình thường, kiểm soát tốt lượng máu mất trong mổ nên không cần truyền máu. Sau phẫu thuật sản phụ được chuyển sang khu hồi tỉnh và được theo dõi kỹ càng. Hiện tại sức khỏe của cả hai mẹ con đã ổn định và sắp được ra viện.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cho biết: Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là phải làm sao để kiểm soát chảy máu tốt, hạn chế tối đa những tai biến và các bác sĩ cố gắng bảo toàn tử cung cho sản phụ. Các thao tác của phẫu thuật viên cần hết sức thận trọng, bởi nếu trong quá trình phẫu thuật mà không có kỹ thuật tốt sẽ gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Rau tiền đạo kèm dây rốn bám màng, mạch máu tiền đạo là tình trạng sản khoa rất nặng nề, thường gặp trong các trường hợp: Sản phụ lớn tuổi, sinh con nhiều lần, có sẹo mổ lấy thai cũ. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thai phụ được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, làm giảm tỷ lệ mất máu nhiều và diễn biến nặng của bệnh.
Chú thích: Rau tiền đạo (còn có tên gọi khác là nhau tiền đạo) là trạng thái rau thai không bám ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường, mà bám vào một phần hoặc toàn bộ đoạn tử tử dưới cùng. Nói cách khác, rau thai chặn ngay cổ tử cung của người mẹ, làm cản trở đường ra của thai nhi khi sinh nở.
Nhân dịp Giáng sinh 2024, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả quý bệnh nhân, thân nhân, cán bộ nhân viên và đối tác của Bệnh viện!
Địa chỉ: 236A Lê Duẩn, Phường Trà Bá, Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai.
Email: info@bvhvgl.com
Số giấy phép: 09/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền Thông Tỉnh Gia Lai cấp ngày 29/11/2023.
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Gia Phú. Hotline: 1800 8015
Thứ 2 - Chủ nhật
Sáng: 7h00 - 11h30
Chiều: 13h00 - 16h30
Khám bệnh tất cả các ngày trong tuần
(Cả ngày nghỉ và Lễ, Tết)
Cấp cứu 24/24: 0914.555.115
Tổng đài CSKH: 1800.8015